Disneyland 1972 Love the old s
Những phát minh nhỏ sống mãi với thời gian
Tăm ngoáy tai
Đầu những năm 20 thế kỷ trước, ông Leo Gerstenzang, người Mỹ, quan sát bà vợ khéo léo vê bông vào đầu que tăm để ngoáy tai cho con, ông nghĩ có thể làm việc này tốt hơn. Sau 3 năm nghiên cứu ông chế tạo một cái máy tự động quấn bông vào hai đầu que tăm làm bằng gỗ. Năm 1925, Leo Gerstenzang chính thức tung ra thị trường loại que ngoáy tai mang tên “Baby Gays”. Ít lâu sau ông đổi tên là Q-Tips.“Q” viết tắt cho từ chất lượng và “Tip” là “đầu nhọn” quấn bông.
Kẹp quần áo
Ông thợ đan sọt, Emil Richard Fichsel người Đức (sinh năm 1869) đã đăng ký bản quyền cho chiếc kẹp quần áo có lò so ngày 8-1-1898 tại Cục Bản quyền hoàng gia. Tài liệu về bản quyền này ghi rõ: “Loại kẹp quần áo này giữ chặt quần áo treo trên dây, nhờ thế quần áo dù gió thổi mạnh cũng không bị rơi”.
Kem que
Vào buổi tối năm 1905, cậu bé Frank Epperson ở California để quên cốc nước chanh ngoài cửa sổ nhà mình. Đêm đó nhiệt độ hạ bất thường đến mức nước chanh đông cứng cùng với chiếc que khuấy. Sáng hôm sau, Frank khoái chí cầm que nước chanh mút lấy mút để. Đến trường cậu không quên kể với các bạn về que nước chanh tuyệt vời này. Sau 18 năm, Frank Epperson trở thành ông chủ một cửa hàng bán các loại nước giải khát. Một hôm Frank sực nghĩ đến “que nước chanh” thuở nhỏ và đăng ký bản quyền que kem của mình. Hai năm sau, Epperson bán sáng kiến que kem cho một hãng sản xuất thực phẩm. Từ đó kem que mang tên “Popsicle” ra đời, đến năm 1928 đã có tới 60 triệu que kem được tung ra thị trường.Frank Epperson không ngờ cốc nước chanh cùng que khuấy nước để bên cửa sổ qua đêm ngày nào đã làm cho mình trở thành một người giàu có.
Vít nở
Ông Artur Fischer, 88 tuổi là một trong những nhà sáng chế phát minh thành công và tích cực nhất trên thế giới. Hàng nghìn bằng sáng chế phát minh mang tên ông, nếu xếp theo thứ tự về số lượng sáng chế phát minh thì Fischer chỉ đứng sau Thomas Alva Edison, cha đẻ của bóng đèn điện. Fischer xuất thân là thợ nguội, năm 1948 ông sáng chế ra bật lửa điện, một năm sau ông đã làm cuộc cách mạng trong lĩnh vực nhiếp ảnh bằng sáng chế, đèn chớp magnesium với hệ thống truyền đồng bộ.Nhưng ông thật sự nổi tiếng khắp thế giới vào năm 1958 với phát minh “vít nở Fischer”. Trước đây, vít nở bằng gỗ đã được sử dụng khá rộng rãi nhưng chúng còn nhiều yếu điểm. Trước những năm 50 thế kỷ trước, muốn gắn một cây đèn vào tường phải đục lỗ, chôn vít nở, đổ thạch cao nhưng vẫn dễ bị long. Ông Fischer quyết tâm khắc phục tình trạng trên từ chất liệu nilon cao cấp. Ông bắt chặt cái vít thí nghiệm này vào tường rồi tìm mọi cách bẩy nó ra nhưng không được. Ông Fischer ăn mừng sinh nhật lần thứ 50 của mình bằng loại vít nở Fischer này và cho đến nay mỗi ngày có khoảng 14,5 triệu vít nở được tiêu thụ trên thị trường.
Giấy lọc trà cà phê
Hàng tuần, bà Melitta Benz ở thành phố Dresden (Đức) vẫn có thói quen mời bạn tới trò chuyện và uống cà phê. Hồi đó cà phê là một loại nước uống cao cấp đắt tiền, nhưng bà thường cảm thấy khó chịu vì sau khi uống cà phê bị đọng lại ít nhiều cặn trong miệng. Bà Melitta trăn trở tìm mọi cách để lọc sạch bã cà phê. Bà dùng một cái vỏ thịt hộp, đục nhiều lỗ nhỏ xuống mặt đáy, để tờ giấy thấm từ vở học của con lên trên rồi cho cà phê và đổ nước sôi lên. Bà Melitta đã có một cốc cà phê ngon, nóng và không còn cặn. Mọi người khen ngợi thành công tuyệt vời này của bà nhưng bà Melitta chưa hài lòng với kết quả trên, bà muốn tạo ra một loại giấy lọc thích hợp hơn. Ngày 20/6/1908 bà đăng ký sáng chế của mình tại Cục Sáng chế phát minh Berlin. Năm đó với khoản tiền đầu tư ít ỏi bà Melitta đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp gia đình mang tên Melitta. Cà phê lọc đã trở thành một món đồ uống không thể thiếu ở Đức và giấy lọc cà phê Melitta vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay và được dùng trong nhiều loại máy pha cà phê hiện đại. Túi giấy Tetra - Pak Nhà kinh tế Thụy Điển RubenRausing sáng chế loại túi giấy Tetra-Pak khi ông phải khệ nệ khuân thùng sữa đựng trong chai thủy tinh lên nhà.
Bút bi
Nhà báo người Hungari bực mình vì mực bút máy của ông hay bị nhòe. Ông tìm cách khắc phục khi quan sát mấy đứa trẻ con chơi bi thấy một viên bi, lăn qua vũng nước rồi lăn trên mặt đường nhựa khô ráo và để lại một vệt nước, từ đó ông nghĩ ra chiếc bút bi. Nguyên tắc này ngày nay vẫn tồn tại trong bất kỳ loại bút bi nào.